Tổng quan về Vườn Quốc Gia Pù Mát
Vườn Quốc gia Pù Mát, điểm du lịch thiên nhiên tuyệt đẹp tại Nghệ An, được mệnh danh là “chốn tiên cảnh” của dải đất miền Trung. Đến đây, bạn sẽ được thoả sức trải nghiệm các hoạt động như: Du thuyền trên dòng sông Giăng, chiêm ngưỡng rừng núi ngút ngàn – thác nước – cây cổ thụ hùng vĩ, chèo Sub, leo núi, camp và khám phá hệ động, thực vật quý hiếm,…
Vườn quốc gia Pù Mát nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có diện tích 94.750,9 ha, trải dài trên 03 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương; phía Tây giáp với biên giới Việt – Lào (có chiều dài 61km). Được thành lập vào năm 1995, tiền thân là Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, chuyển hạng thành Vườn quốc gia theo Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 08/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 18/9/2007, Tổ chức Văn hoá, khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức công nhận Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, trong đó VQG Pù Mát là một trong ba vùng lõi quan trọng của Khu DTSQ có chức năng bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học…,
VƯỜN QUỐC GIA PÙ MÁT – ĐIỂM ĐA DẠNG SINH HỌC VÀO BẬC NHẤT CỦA CẢ NƯỚC VÀ LÀ NƠI CÓ NHỮNG KỲ QUAN THIÊN NHIÊN ĐỘC ĐÁO!
Với hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, nên từ lâu Vườn quốc gia Pù Mát đã trở thành một địa điểm nghiên cứu và học tập quen thuộc của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Theo thống kê của các nhà khoa học, hiện nay Pù Mát là vùng phân bố của 2.691 loài thực vật bậc cao, thuộc 981 chi của 6 ngành và 204 họ, trong đó có tới 75 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm có trong sách đỏ của Việt Nam (2007). Đặc biệt Vườn quốc gia Pù Mát tự hào có cây Samu dầu với đường kính gần 6 mét, chiều cao tới 70 mét và tuổi thọ trên nghìn năm tuổi; đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản vào năm 2007. Ngoài Cây di sản Samu dầu, nơi đây còn rất nhiều cây gỗ quý như Đinh, Lim, Sến, Táu, Pơ mu… và hàng trăm các loài cây có giá trị dược liệu quý như Cà gai leo, Thiên niên kiện, Cây lá khôi, Dây huyết đằng… Có thể thấy, Vườn quốc gia Pù Mát là nơi có thảm thực vật vô cùng đa dạng và phong phú, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ nguồn gen, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của giới chuyên môn trong nước và quốc tế.
Không chỉ rộng lớn và đa dạng về thảm thực vật mà hệ động vật ở Vườn quốc gia Pù Mát cũng vô cùng phong phú. Hiện Pù Mát đang là “ngôi nhà” của 132 loài thú, 361 loài chim, 33 loài lưỡng cư, 53 loài bò sát và 1.198 dạng côn trùng khác nhau. Trong số đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm có giá trị bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế như: Voi Châu Á, Hổ, Sao la, Tê tê… . Đặc biệt, trong thế kỷ 20 các nhà khoa học đã ghi nhận 4 loài thú lớn mới cho khoa học tại Việt Nam thì cả 4 loài đó đều phân bố tại VQG Pù Mát đó là: Sao La, Mang Lớn, Mang Trường Sơn, Thỏ Vằn. Chính vì vậy, VQG Pù Mát đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, cũng như của thế giới.
Khi nói đến Vườn quốc gia Pù Mát, chúng ta không chỉ biết đến nơi đây là ngôi nhà chung của rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm và nổi tiếng trên khắp thế giới, mà Pù Mát còn là địa danh được thiên nhiên ưu ái, ban tặng rất nhiều những danh lam, thắng cảnh đẹp, làm say lòng biết bao lữ khách như: Thác Kèm hùng vĩ, dòng sông Giăng thơ mộng… .Không những thế, đến với Vườn quốc gia Pù Mát, du khách còn được tìm hiểu về cuộc sống của cộng đồng dân tộc thiểu số sống trong vùng đệm của Vườn với những nét văn hoá truyền thống đặc sắc, đã được lưu giữ và phát huy bao đời nay như dân tộc Thái, H’Mông, Ơ Đu, Khơ Mú. Đặc biệt, trong vùng lõi của Vườn còn có sự sinh tồn khá lâu đời của tộc người Đan Lai, một trong số những tộc người rất đặc biệt với những thói quen khác lạ như tục Ngủ ngồi… đã kích thích sự tò mò của nhiều du khách cũng như các nhà khoa học trong nước và quốc tế với mong muốn được tìm hiểu về những nét văn hoá đó. Ngoài ra du khách còn được tìm hiểu và trải nghiệm những sản phẩm thủ công truyền thống của người dân nơi đây như nghề dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan của người Thái…, được trải nghiệm những phòng tục tập quán, lễ hội…, được thưởng thức các món ăn mang đặc trưng ẩm thực vùng miền hay hòa mình vào các làn điệu dân ca, dân vũ, điệu Khắp, điệu Lăm… mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến với Vườn quốc gia Pù Mát, du khách có thể được tự do hoà mình với thiên nhiên, được thoả sức cảm nhận thiên nhiên hoang sơ mà hùng vĩ bằng cả 5 giác quan với nhiều loại hình du lịch như: Du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá thiên nhiên và các loài động vật hoang dã, du lịch chụp ảnh, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hoá nhân văn, du lịch cộng đồng, du lịch đạp xe, du lịch thiền, du lịch leo núi… theo đúng nghĩa của loại hình du lịch sinh thái – nơi kết nối con người với thiên nhiên. Đó chính là những giây phút chúng ta được thực sự thư giãn, để cảm nhận sự trong lành đến tinh khiết của cỏ cây hoa lá, được hít hà bầu không khí trong lành mà mẹ thiên nhiên ban tặng, được đắm mình và thả hồn theo dòng thác hùng vĩ, dòng sông Giăng mát lành và cảm nhận những âm thanh trong trẻo của các loài muông thú sau những chuỗi ngày mệt mỏi và bộn bề với bao công việc cũng như áp lực của cuộc sống.